Nguyên Lý Thiết Kế Nội Thất
Nguyên lý thiết kế nội thất là những quy luật căn bản mang tính nguyên tắc trong thiết kế nội thất, trang trí nội thất nhà ở, đây là kiến thức mà bất kỳ người kiến trúc sư nào cũng cần nắm vững. Chúng quan trọng trong thiết kế công trình kiến trúc và thiết kế nội thất. Các quy luật thiết kế đó quan trọng cả trước khi thực hiện đồ án thiết kế đến khi thực hiện thiết kế nhà dân dụng, nguyên tắc thiết kế nội thất thể hiện ở các quy luật đó.
Các nguyên lý trong thiết kế nội thất
1.Nguyên lý cân bằng
Trong thiết kế nội thất, cân bằng đem đến một bố cục hài hòa cho tổng thể không gian. Đó có thể hiểu là tất cả những sự cân đối về kích thước (như chiều cao, chiều rộng, chiều dài), màu sắc, hoa văn và kết cấu của nội thất. Yếu tố này tác động đến không gian chung của căn phòng và cảm quan ban đầu của khách hàng, mang đến môi trường sống cân đối cho cả gia đình.
Có 3 loại cân bằng:
- Bố cục đối xứng: Khái niệm này được hiểu đơn giản là một không gian được chia đều cho hai bên và khi nhìn vào một bên thì sẽ biết được bên kia như thế nào. Đây là loại cân bằng rất dễ đạt được, nên cần cẩn thận nếu không muốn loại cân bằng này có thể trở nên nhàm chán và đơn điệu.
- Bố cục bất đối xứng: Đây là khái niệm chỉ cách sử dụng tất cả các yếu tố như màu sắc, đường nét, hình thức kết cấu không có sự đối xứng với nhau, đặt đối diện nhau nhưng vẫn đem tới sự thuận mắt cho người nhìn. Nguyên lý này không phải là một sự xếp đặt tùy tiện mà chủ yếu áp dụng trong một không gian nội thất nhất định khi thiết kế. Các đối tượng làm chủ thể cân bằng có sự chuyển hóa, đánh lừa thị giác ở những góc độ nhất định.
Bố cục bất đối xứng thường được những kiến truc sư nổi tiếng và đơn vị thiết kế chuyên nghiệp yêu thích. Để có thể sử dụng và kết hợp hài hòa thì thực tế cần một con mắt thẩm mỹ và năng lực thiết kế cao.
Ví dụ tiêu biểu cho nguyên lý cân bằng bất đối xứng là cách bố trí các bộ sofa trong phòng khách. Nếu xếp hai chiếc ghế tựa ngắn đối xứng với ghế sofa dài, nó sẽ tạo cảm giác bất đối xứng thú vị.
- Bố cục đối xứng tâm: Được hiểu là việc bố trí một điểm trung tâm với các yếu tố khác tỏa ra xung quanh nó, mang tới sự cân đối và hài hòa khi nhìn vào. Ví dụ tiêu biểu nhất là một bàn ăn hình tròn, với những chiếc ghế được bố trí đều đặn xung quanh.
Dạng đối xứng này có rất nhiều hình thức và đa dạng về cách thể hiện kết cấu lẫn màu sắc.
2. Nguyên lý về nhịp điệu
Nhịp điệu trong thiết kế nội thất là tạo ra các mô hình lặp lại và độ tương phản để tạo ra cái nhìn thú vị. KTS có thể sử dụng màu sắc hoặc hình dạng giống nhau ở những khoảng thời gian khác nhau. Mục đích của nguyên lý này là để ánh mắt nhìn sẽ phải di chuyển khắp xung quanh căn phòng, chiêm ngưỡng tỉ mỉ những chi tiết nội thất được sắp xếp có chủ đích.
3. Nguyên lý hài hòa
Nguyên lý hài hòa là những nỗ lực trong việc đồng nhất các vật dụng, các yếu tố trong một không gian để tạo ra tổng thể cân bằng và hòa hợp. Sự hài hòa được tạo ra khi tất cả các yếu tố kết hợp với nhau trở thành một thông điệp thống nhất. Cũng như nhịp điệu có thể tạo hứng thú thì hài hòa tạo ra một cảm giác yên tĩnh, thư thái. Thường thì để tạo ra sự hài hòa, người ta sử dụng một tone màu chủ đạo nào đó dẫn dắt và lôi cuốn.
4. Nguyên lý nhấn mạnh
Một căn phòng mà mọi chi tiết đều quan trọng như nhau, đồ nội thất bố trí rải rác, bừa bộn sẽ gây cảm giác nhàm chán. Một không gian cho dù lớn, nhỏ như thế nào cũng cần có một điểm nhấn khác biệt so với những chi tiết còn lại. Điểm nhấn này sẽ làm nhiệm vụ thu hút sự chú ý của mọi ánh nhìn về phía đó.
5. Tỷ lệ và quy mô trong thiết kế nội thất
Tỷ lệ giữa kích thước các đồ nội thất với nhau sẽ tác động đến hoạt động của con người. Mỗi kiến trúc sư đều cần có nghiên cứu sâu về nhân trắc học, để xem mối tương quan giữa quy mô và kích thước của một đối tượng giữa không gian mà nó đặt vào có thực sự phù hợp hay không.
Ví dụ dễ hiểu cho nguyên lý này đó là: nếu đặt đồ nội thất quá lớn vào căn phòng quá nhỏ hoặc ngược lại sẽ không hợp lý. Vậy nên cần tính toán tỷ lệ sao cho thật cân đối để tạo cảm giác thoải mái nhất cho những người chủ nhân của ngôi nhà. Đặc biệt là đối với thiết kế nội thất chung cư hay những không gian nhỏ, do diện tích giới hạn nên càng phải sắp xếp linh hoạt để mang lại không gian tiện nghi mà vẫn đẹp mắt.
Nguyên tắc thiết kế nội thất
Chức năng, bầu không khí và sự gắn kết là ba nguyên tắc trang trí cơ bản tạo nên một không gian đầy tính thẩm mỹ. Khi bắt tay vào trang trí một không gian, bạn hãy xem ba nguyên tắc trên như một người bạn đồng hành
1.Chức năng
Có khi nào bạn tự hỏi bản thân ý nghĩa và mục đích của không gian sống là gì? Liệu không gian có cần được thiết kế với mục đích rõ ràng phù hợp và có chức năng riêng? Nó sẽ được sử dụng để làm gì? Là một không gian được sử dụng chủ yếu cho mục đích nấu ăn, giải trí, thư giản, chào đón hoặc lưu trữ? Vì vậy khi bắt tay vào trang trí nội thất cho một không gian, các bạn nên tìm ra mục đích sử dụng của không gian đó. Ví dụ khi thiết kế phòng khách, một món đồ nội thất cơ bản bạn cần có cho không gian đó chính là một bộ sofa, hay một không gian lưu trữ thì cần có nhiều tủ kệ.
2. Bầu không khí
Hãy cố gắng tạo ra một câu chuyện, một chủ đề riêng cho không gian của bạn bằng cách sử dụng vật dụng nội thất, màu sắc hay thậm chí là ánh sáng. Ví dụ bạn là một người thích du mục, bạn có thể chọn những vật dụng trang trí đặc trưng của những nơi bạn đã từng đi qua, những tấm thảm, tranh ảnh, hay thậm chí là một mảng tường đầy sắc màu lấy cảm hứng từ những ngôi nhà ở Cinque Terre.
3.Sự gắn kết
Đây là bước cuối cùng nhưng không kém quan trọng đóng vai trò gắn kết mọi thứ trong không gian nội thất. Chắc hẳn bạn đang lo rằng liệu mọi thứ có hợp với nhau trong một tổng thể dù chúng là những cá thể riêng lẻ được đặt cạnh nhau, nên sử dụng màu sắc và phong cách như thế nào để tạo sự gắn kết.
Trên đây là những nguyên lý và nguyên tắc thiết kế nội thất cơ bản. Việc vận dụng những nguyên lý này trên thực tế rất khác nhau, tùy thuộc vào từng không gian nội thất mà có sự kết hợp và điều chỉnh. Những nguyên lý thiết kế nội thất cơ bản trên là những kiến thức mà bất kỳ KTS hay người yêu thiết kế nào cũng cần để có thể làm tốt công việc của mình.
Xem thêm